Phương pháp thử cột Bê tông ly tâm theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016

1. Lấy mẫu

Mẫu thử được lấy theo lô, cỡ lô kiểm tra là 100 sản phẩm. Nếu số lượng của lô sản xuất lớn hơn 100 sản phẩm thì sẽ chia thành các lô nhỏ không quá 100 sản phẩm. Nếu số lượng không đủ 100 sản phẩm cũng được tính là một lô.

Kiểm tra các chỉ tiêu về ngoại quan, hình dạng và kích thước được thực hiện cho từng lô. Từ lô kiểm tra lấy ngẫu nhiên không ít hơn 5 % sản phẩm đại diện cho lô để thử. Với lô nhỏ dưới 100 sản phẩm, lấy ngẫu nhiên không ít hơn 5 % sản phẩm nhưng không ít hơn 3 sản phẩm để thử.

Xác định khả năng chịu tải được thực hiện cho từng lô. Từ mỗi lô kiểm tra lấy ngẫu nhiên không ít hơn 2 sản phẩm đã đạt yêu cầu về ngoại quan, hình dạng kích thước và cường độ bê tông để thử. Trường hợp lô nhỏ hơn 50 sản phẩm, lấy ngẫu nhiên không ít hơn 1 sản phẩm để thử. Các sản phẩm sau khi thử uốn nứt tại tải trọng thiết kế hoặc mô men uốn thiết kế, sẽ thử tiếp uốn gãy tới tải trọng gãy tới hạn hoặc mô men uốn gãy tới hạn nếu có yêu cầu.

2. Xác định kích thước và mức sai lệch kích thước

Thiết bị, dụng cụ

Thước thép cuộn có khả năng đo độ dài 25 m, vạch chia đến 1 mm; Thước kẹp có vạch chia đến 0,05 mm; Thước lá thép có vạch chia đến 1 mm.

Cách tiến hành

– Lấy mẫu

– Đo các kích thước cơ bản của cột bằng thước lá thép hoặc thước thép cuộn.

– Đo chiều dày của lớp bê tông bảo vệ cốt thép

Đánh giá kết quả

Đối chiếu các kết quả đo trung bình với các kích thước cơ bản của cột điện để xác định mức sai lệch cho phép như đã được quy định trong 5.2.3. Nếu trong số sản phẩm lấy ra kiểm tra có một sản phẩm trở lên không đạt yêu cầu thì lấy tiếp 5 % sản phẩm khác trong cùng lô để kiểm tra lần hai. Nếu toàn bộ số sản phẩm thử lại đều đạt thì lô đó đạt yêu cầu, trừ các sản phẩm không đạt trong lần 1. Nếu lại có một sản phẩm trở lên không đạt yêu cầu chất lượng thì lô sản phẩm đó phải phân loại lại.

3. Kiểm tra ngoại quan và các khuyết tật

 Thiết bị, dụng cụ

Thước lá thép có vạch chia đến 1 mm; Thước kẹp có vạch chia đến 0,05 mm; Kính lúp có độ phóng đại (5 ÷ 10) lần. Bộ căn lá thép có độ dày (0,05 ÷1,00) mm.

Cách tiến hành

– Lấy mẫu

– Đo chiều cao hoặc chiều sâu, vết lồi lõm, lỗ rỗ bằng kết hợp thước lá thép và thước kẹp.

– Kiểm tra vết nứt bằng kính lúp kết hợp với bộ căn lá thép.

Đánh giá kết quả

Đối chiếu với yêu cầu về ngoại quan và khuyết tật của cột điện bê tông cốt thép ly tâm được quy định trong 5.3 để đánh giá chất lượng sản phẩm thử.

Nếu trong số sản phẩm lấy ra kiểm tra có một sản phẩm trở lên không đạt yêu cầu thì lấy tiếp 5 % sản phẩm khác trong cùng lô để kiểm tra lần hai. Nếu toàn bộ số sản phẩm thử lại đều đạt thì lô đó đạt yêu cầu nghiệm thu, trừ các sản phẩm không đạt trong lần 1. Nếu lại có một sản phẩm trở lên không đạt yêu cầu chất lượng thì lô sản phẩm đó phải phân loại lại.

4. Xác định cường độ bê tông

Bê tông phải được lấy mẫu, chế tạo và bảo dưỡng theo TCVN 3105:1993, xác định cường độ chịu nén theo TCVN 3118:1993 và lưu phiếu thí nghiệm vào hồ sơ chất lượng sản phẩm.

Khi cần thiết, có thể tiến hành kiểm tra trực tiếp trên sản phẩm theo phương pháp không phá hủy TCVN 9490:2012 (ASTM C900-06) để xác định cường độ chịu nén của bê tông, hoặc theo thỏa thuận giữa các bên liên quan.

5. Xác định khả năng chịu tải

Nguyên tắc

Khả năng chịu tải của cột điện bê tông cốt thép ly tâm được xác định bằng phương pháp kéo ngang tại đầu cột theo qui trình qui định. Thử uốn nứt ở tải trọng thiết kế đối với cột điện nhóm I và mô men uốn thiết kế đối với cột điện nhóm II. Thử uốn gãy ở tải trọng gãy tới hạn đối với cột điện nhóm I và mô men uốn gãy tới hạn đối với cột điện nhóm II.

Thiết bị, dụng cụ

Tời điện hoặc quay tay: Dùng để gia tải lên đầu cột theo phương ngang.

Lực kế: Thang đo được bố trí sao cho tải trọng thử tối đa nằm trong phạm vi (20 ÷ 80) % giá trị thang đo lớn nhất của lực kế, độ chính xác bằng 2 %.

Gối tựa di động:Các gối đỡ có bánh xe để đỡ cột theo phương ngang.

Bệ ngàm: Bệ bằng bê tông có cơ cấu ngàm chặt để định vị phần chân cột.

Thước lá thép có vạch chia đến 1 mm.

Bộ căn lá thép có độ dày (0,05 ÷ 1,00) mm.

Kính lúp có độ phóng đại (5 ÷10) lần.

Cách tiến hành

– Thử uốn nứt

+  Đối với cột điện nhóm I

– Lấy mẫu theo 6.1.

– Đặt cột nằm ngang lên các gối di động một cách chắc chắn, ổn định theo sơ đồ Hình 3.

– Định vị phần chân cột lên bệ ngàm bê tông.

– Kiểm tra độ ổn định của toàn bộ hệ thống và các gối tựa di động.

– Tác dụng lực lên điểm đặt lực theo phương ngang bằng tời kéo, tải trọng kéo ngang theo qui định của Điều 5.4.

– Lần đầu đặt 25 % tải trọng, các lần tiếp theo mỗi lần tăng thêm 25 % cho tới khi đạt tải trọng thiết kế ghi trong Bảng 2. Sau mỗi lần tăng tải dừng lại 5 min. Tổng thời gian thử tải là 20 min. Sau mỗi lần dừng tải phải ghi lại tình trạng biến dạng của cột. sự phát triển các vết nứt sẵn có và vết nứt mới phát sinh, đo chiều rộng vết nứt sau khi dỡ hết tải.

CHÚ DẪN:1 – cột thử; 2 – gối tựa di động; 3 – bệ ngàm bê tông; 4 – cữ chặn (định vị tại điểm đỡ uốn); 5 – chốt định vị; 6 – điểm đặt lực thử; 7 – thước đo; 8 – dây cáp; 9 – lực kế; 10 – tời L – chiều dài cột; h1 – chiều sâu chôn đất; h2 – khoảng cách tử điểm đặt lực đến đầu cột bằng 0,25 m; H – chiều cao điểm chất tải, H = L – (h1 + h2).
Sơ đồ thử tải ngang của cột điện bê tông

+ Đối với cột điện nhóm II

– Lấy mẫu theo 6.1.

– Đặt cột nằm ngang lên các gối di động một cách chắc chắn, ổn định theo sơ đồ trong Hình 3.

– Định vị phần chân cột lên bệ ngàm bê tông.

– Kiểm tra độ ổn định của toàn bộ hệ thống và các gối tựa di động.

– Tác dụng lực từ từ lên điểm đặt lực theo phương ngang bằng tời kéo cho đến khi mô men uốn tại điểm đỡ uốn đạt giá trị mô men uốn thiết kế trong Bảng 3. Đo vết nứt và độ cong của cột.

– Sau khi hoàn thành thử tải như trên, đảo vị trí đầu cột theo chiều ngược lại, định vị đầu cột và lại tiến hành thử tải theo trình tự nêu ở trên. Đo vết nứt và độ cong của cột.

Thử uốn gãy

+ Đối với cột nhóm I

Sau khi hoàn thành bước thử như trên, tiếp tục cấp tải cho đến khi đạt giá trị tải trọng gãy tới hạn (gấp k lần tải trọng thiết kế qui định tại Bảng 2). Quan sát và ghi lại tình trạng cột.

+ Đối với cột nhóm II

Sau khi hoàn thành bước thử như trên, tiếp tục cấp tải cho đến khi mô men uốn tại điểm đỡ uốn đạt giá trị mô men uốn gãy tới hạn (gấp k lần mô men uốn thiết kế qui định tại Bảng 3). Quan sát và ghi lại tình trạng cột.

Đánh giá kết quả

– Thử uốn nứt

Khi thử ở tải trọng thiết kế hoặc mô men uốn thiết kế, sản phẩm thử được coi là đạt yêu cầu chất lượng nếu thỏa mãn các yêu cầu tại điều 5.4.1. Nếu cả 2 sản phẩm lấy ra thử đều đạt yêu cầu thì lô đó đạt yêu cầu nghiệm thu. Nếu có 1 sản phẩm không đạt thì lấy tiếp 2 sản phẩm khác cùng lô để thử lần hai. Nếu toàn bộ số sản phẩm thử lại đều đạt thì lô đó đạt yêu cầu nghiệm thu, trừ sản phẩm không đạt trong lần 1. Nếu lại có một sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng thì lô sản phẩm đó không đạt yêu cầu về khả năng chịu tải và phải tiến hành phân loại lại.

– Thử uốn gãy

Khi thử uốn gãy, nếu sản phẩm thử bị gãy ở tải trọng hoặc mô men uốn bằng hoặc lớn hơn giá trị tải trọng gãy tới hạn hoặc mô men uốn gãy tới hạn thì lô sản phẩm đạt yêu cầu. Nếu sản phẩm thử bị gãy ở tải trọng hoặc mô men uốn nhỏ hơn giá trị tải trọng gãy tới hạn hoặc mô men uốn gãy tới hạn thì lô sản phẩm không đạt yêu cầu.

CHÚ THÍCH: Cột điện bê tông được coi là bị gãy khi mất khả năng chịu lực (có sự sụt giảm của lực chỉ thị trên lực kế trong quá trình thử).



Trả lời