Xu hướng liên kết lưới điện truyền tải trong khu vực

Việc liên kết lưới điện giữa các nước trong khu vực, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia được xem là giải pháp phù hợp và xu hướng phát triển ngành điện trong thời gian đến.

Nguyên nhân hình thành xu hướng liên kết lưới điện truyền tải giữa các nước với nhau

Khủng hoảng năng lượng của nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng việc liên kết lưới điện truyền tải giữa các quốc gia trong khu vực có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện nay các nước châu Âu đang rơi vào vòng xoáy tăng giá khí đốt và giá dầu. Nhiều nước trong khu vực châu Âu đã tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng có giá thành rẻ hơn để tránh tăng giá điện cho người tiêu dùng trong nước.

Đối với Việt Nam, đến thời điểm hiện tại đã nhập khẩu điện từ các nhà máy thủy điện của Lào qua các đường dây 220kV Xekaman 3 – Thạnh Mỹ (Quảng Nam) và Xekaman 1 – Pleiku (Gia Lai). Cùng với đó, chúng ta cũng nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua các đường dây 220kV về Lào Cai và Hà Giang đã đóng điện vận hành từ năm 2006. Ngoài ra, còn liên kết với lưới điện Campuchia thông qua đường dây 220kV Châu Đốc – Ta Keo từ hơn 10 năm nay (chủ yếu Việt Nam bán điện cho Campuchia).

Mục đích của việc nhập khẩu điện là để bù cho phần công suất thiếu hụt có thể xảy ra trong các năm tới nhằm thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là luôn đảm bảo đủ điện cho các hoạt động kinh tế xã hội.

Việc liên kết lưới điện truyền tải với các nước láng giềng có ý nghĩa như thế nào?

 Chủ trương liên kết với lưới điện các nước trong khu vực được Chính phủ Việt Nam quan tâm và chỉ đạo từ đầu những năm 2000 với chiến lược trọng tâm là nhập khẩu 2.000-3.000MW các nhà máy điện của Lào cũng như liên kết với lưới điện Campuchia và Trung Quốc. Việt Nam đã có kinh nghiệm gần 20 năm liên kết lưới điện với các nước trong khu vực, khởi đầu là cấp điện áp 110kV, rồi nâng lên 220kV với 5 hướng kết nối tại Lào Cai, Hà Giang, Quảng Nam, Gia Lai và An Giang.

Việc kiên kết lưới điện nhằm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên sẵn có, giảm tổn thất truyền tải, tăng tính dự phòng, từng bước khởi tạo và hoàn thiện thị trường điện khu vực và quốc tế.

Trong 10 năm tới sẽ đẩy mạnh liên kết với lưới điện của Lào ở các tỉnh biên giới: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam ở cấp điện áp 220kV và 500kV để nhập khẩu điện từ Lào. Ngoài ra, sẽ nâng cấp liên kết lưới điện khu vực lên cấp điện áp 500kV tại 3 điểm Sơn La, Quảng Nam, Kon Tum để tham gia hình thành xương sống lưới điện truyền tải ASEAN Power Grid (APG) đã được lãnh đạo ASEAN thông qua từ năm 2014, hướng tới thị trường điện các nước ASEAN nằm trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Đường dây 220kV Xekaman 1- Pleiku 2 truyền tải điện từ Lào về Việt Nam

 Do mỗi nước trong khu vực áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình vận hành khác nhau nên khó khăn lớn nhất khi bắt đầu liên kết lưới điện với các nước khu vực là hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật để thiết kế, xây dựng các công trình lưới điện liên kết cũng như việc phối hợp vận hành lưới điện truyền tải liên kết các nước.

Dưới sự bảo trợ của chính phủ các nước trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và các nước tiểu vùng sông Mê Kông GMS, nước bạn Lào và Campuchia đã hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật của mình để phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Đến nay các bên đều đã quen thuộc với công nghệ liên kết lưới điện truyền tải ở cấp điện áp 220kV, phối hợp vận hành an toàn lưới điện liên kết khu vực.

Trong thời gian tới, khi Việt Nam nâng cấp liên kết lưới điện truyền tải thành cấp siêu cao áp 500kV thì các yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực vận hành, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đấu nối chung, cũng như phối hợp vận hành ở cấp siêu cao áp sẽ phải được thực hiện như những năm đầu liên kết lưới điện xuyên biên giới.

Lễ triển khai thi công Dự án đường dây 220kV Nậm Mô – Tương Dương (tháng 11/2021) để nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam có sự tham gia của nhà thầu thi công VNECO

Để đảm bảo an ninh năng lượng nói chung và tăng cường hiệu quả liên kết lưới điện truyền tải nói riêng, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có tiềm lực mạnh triển khai đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình nguồn thủy điện và điện gió có tiềm năng trên đất Lào, tăng khả năng cạnh tranh tốt hơn so với các doanh nghiệp của các nước khác trong khu vực cũng đang triển khai đầu tư tại Lào. Ngoài ra, cần thực hiện tăng cường tuyên truyền người dân, doanh nghiệp trong nước tích cực tham gia bảo vệ hàng lang an toàn của lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.



Trả lời