Tư nhân làm đường dây truyền tải điện: Cơ hội và thách thức

Việc tư nhân được tham gia làm đường truyền tải sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhưng cơ chế đầu tư phải được rõ ràng trên cơ sở đảm bảo lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp – người dân.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 6, thảo luận sửa 8 luật (gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự). Trong đó, Chính phủ đề xuất sửa Luật Điện lực để cho phép mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư dự án truyền tải điện.

Truyền tải điện lâu nay vẫn là lĩnh vực do Nhà nước đầu tư, vận hành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý, trước đây Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, gồm cả khâu xây dựng, vận hành, quản lý. Nếu mở cho mọi thành phần kinh tế, tức gồm cả nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào đường dây, trạm truyền tải, gồm cả các loại hệ thống truyền tải điện quan trọng, xương sống như trạm, đường dây 500 kV vào trục Bắc – Nam, cần phân định rõ loại đường dây truyền tải điện nào nhà đầu tư tư nhân được làm, loại nào Nhà nước có quy hoạch, giao EVN làm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Dự thảo luật sẽ nêu cụ thể loại công trình lưới điện truyền tải nhà đầu tư tư nhân được rót vốn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới truyền tải điện sẽ giúp Nhà nước kiểm soát, không có biến động lớn vào giá bán điện, an ninh hệ thống điện. Người dân cũng không phát sinh thêm chi phí. Còn doanh nghiệp Nhà nước sẽ được giảm bớt gánh nặng đầu tư lưới điện truyền tải, ước tính số tiền tiết kiệm đầu tư mỗi năm khoảng 11.000 tỷ đồng.

“Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực điện chiếm hơn một nửa số dự án điện của tư nhân, nên không có lý do gì họ không đầu tư vào truyền tải điện. Họ rót vốn đầu tư dự án truyền tải, còn việc điều độ hệ thống điện vẫn do Nhà nước nắm giữ. Điều này đảm bảo hệ thống điện được vận hành hiệu quả, ổn định”, Bộ trưởng Công Thương khẳng định.

Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo quy hoạch điện 8. Các địa phương dồn dập đề xuất đầu tư hàng trăm nghìn MW điện. Song xã hội hóa đường dây truyền tải lại ít khi được đề cập.

Thi công Tuabin điện gió

Dồn dập đầu tư nguồn trong khi lưới điện không theo kịp dẫn đến tình trạng điện mặt trời, điện gió bùng nổ, thì xảy ra tình trạng quá tải lưới điện, dẫn đến các dự án phải cắt giảm công suất.

Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường Điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết: Hiện đang có độ trễ giữa tốc độ đầu tư nguồn với lưới. Đối với các nguồn điện truyền thống, việc xây dựng dự án phải mất 5 – 7 năm mới hoàn thành nên không xảy ra vấn đề quá tải đường dây. Trong khi đó, nhà đầu tư điện mặt trời chỉ mất có 6 tháng để triển khai dự án, còn với điện gió, thời gian chỉ mất 12 – 18 tháng. Về việc đầu tư lưới điện truyền tải, EVN phải theo sát quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đối với đường dây 220kV, EVN phải mất 2 – 3 năm hoàn thành.

Thực tế, đã có doanh nghiệp tư nhân tiên phong xây dựng dự án điện mặt trời 450MW kết hợp truyền tải đường dây 500kV Trung Nam- Thuận Nam để giải tỏa công suất cho nhà máy và các nhà máy năng lượng tái tạo lân cận. Tập đoàn Trung Nam hơn 1 năm qua đã hoàn thiện và vận hành truyển tải lượng điện từ Nhà máy điện mặt trời 450 MW của Trungnam Group thông qua Trạm biến áp và tuyến dây 500 kV trên chỉ chiếm 8% trong quy mô truyền tải, phần còn lại là truyền tải hộ các nhà máy điện khác trong khu vực và nhà máy nhiệt điện Vân Phong trong tương lai.

Bỏ tiền làm đường dây và trạm biến áp 500kV, nhà đầu tư gặp không ít khó khăn.

Song, việc tư nhân đầu tư vào truyền tải cũng gặp không ít vướng mắc về cơ chế chính sách. Thực tế doanh nghiệp này vẫn đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc cũng như bố trí nguồn kinh phí để vận hành, duy trì hoạt động của hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam khi chưa có giá bán điện cho phần công suất 172,12MW (mới có khoảng 277,88/450MW có giá bán điện).

Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết trong thời gian chờ bàn giao Trạm biến áp 500kV Thuận Nam – Vĩnh Tân với giá 0 đồng cho EVN, dự án vẫn tham gia hỗ trợ truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chịu chi phí truyền tải cho Trạm biến áp 500kV.

“Tuy nhiên dự án 450MW đang bị cắt giảm công suất với tỷ lệ như các dự án điện mặt trời khác là một thiệt thòi và không công bằng cho nhà đầu tư” – UBND Ninh Thuận khẳng định và cũng kiến nghị cần ưu tiên khai thác tối đa công suất nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW và sớm có giá bán cho lượng công suất điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa có giá bán.



Trả lời