- 10 Tháng Mười Một, 2021
- Posted by: vneco10
- Category: Tin tức ngành Điện
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, bảo tồn tài nguyên năng lượng là giải pháp quan trọng trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 – NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm định hướng dài hạn chiến lược an ninh năng lượng nói chung, sự phát triển bền vững, ổn định của ngành năng lượng Việt Nam nói riêng. Định hình một giai đoạn phát triển mới, toàn diện của ngành năng lượng Việt Nam, từ khâu cung ứng, truyền tải và phân phối, đến tiêu dùng năng lượng, trong đó, tiêu dùng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hay nói cách khác việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng của đất nước.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với sản xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại”.
Suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia dưới góc độ sử dụng năng lượng lãng phí
Nhiều đánh giá của chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu uy tín quốc tế cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng kỹ thuật để giảm thiểu tình trạng thất thoát và lãng phí ở khâu sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất nông ngư nghiệp cho đến tại hộ gia đình.
Các khảo sát, tính toán cho thấy, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 – 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010, và được nâng lên xấp xỉ 70% vào năm 2014. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng v.v của nước ta có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới trên 30%; tiềm năng tiết kiệm năng lượng khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ cũng không hề nhỏ.
Việc duy trì các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam cần thiết phải tiếp tục thực hiện với một kế hoạch và chiến lược dài hạn có định hướng rõ ràng, nhằm loại bỏ những rào cản và kiểm soát nguy cơ phát sinh về gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng quốc gia, đồng thời xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, hiện đại cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng.
Trên cơ sở đó, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 55/2020-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 140/2020/NQ-CP của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiên nghị quyết số 55 NQ/TW là thành tố quan trọng đảm bảo phát triển bền vững ngành năng lượng và an ninh năng lượng, tiến tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trụ cột mới của chiến lược phát triển bền vững ngành năng lượng
Ở khía cạnh bảo tồn tài nguyên năng lượng, cho dù Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, đa dạng (thủy điện, than, dầu khí, gió, mặt trời…) nhưng qua thực tế phát triển đất nước, chúng ta đã phải chuyển từ trạng thái xuất khẩu ròng năng lượng sang nhập khẩu vào năm 2015. Từ đây có thể thấy rằng, bên cạnh việc khai thác, mở rộng nguồn cung năng lượng, bao gồm cả việc phát triển các nguồn cung mới ngoài lãnh thổ, việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng là yếu tố then chốt trong đảm bản an ninh năng lượng quốc gia. Vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện, tối ưu hóa chất lượng sử dụng năng lượng của nền kinh tế đã được Đảng và Nhà nước nhận định từ rất sớm và chuyển hóa yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống thông qua xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hệ thống chính sách, luật pháp phù hợp.
Ở phạm vị quốc gia, các hoạt động cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng đã được thống nhất hóa trong khung hành động tổng thể thông qua Chương trình mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, được tổ chức triển khai liên tục. Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình mục tiêu này cho thấy, Việt Nam đã thu nhận những thành tựu bước đầu rất khả quan nhằm cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng. Chúng ta đã ban hành và tổ chức triển khai Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2011) và các văn bản dưới luật khác. Việc nhanh chóng ban hành và đưa vào thực thi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng nhằm điều tiết hoạt động xã hội theo hướng trách nhiệm với tài nguyên năng lượng của đất nước.
Các đánh giá khách quan cũng chỉ ra rằng, khoảng 16 triệu tấn dầu quy đổi (TOE – tons of oil equivalent) tương đương với khoảng 103,7 tỷ kWh điện đã được tiết kiệm so với nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội nếu không thực hiện Chương trình mục tiêu này. Điều đáng nói, hiệu quả các hoạt động thuộc Chương trình không chỉ dừng lại trong thời gian tổ chức thực hiện Chương trình mà còn tiếp tục phát huy nhiều năm tiếp theo, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.