Dịch COVID-19 ảnh hưởng như nào tới tiến độ các dự án truyền tải điện như thế nào?

Từ tháng 4/2021 đến nay, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng các dự án truyền tải điện.  Đây là các khó khăn khách quan, thuộc vào yếu tố bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Nhiều tỉnh, thành phố hiện phải căng mình ra tổ chức chống dịch nên không có nhiều thời gian giải quyết đối với các công việc khác. Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư lưới điện truyền tải dẫn đến chậm tiến độ. Các chương trình, kế hoạch phối hợp làm việc với chính quyền các địa phương của các đơn vị thực hiện dự án gần như không thể thực hiện được. Cán bộ các ban quản lý dự án ở vùng dịch, rất khó khăn khi cần đi công trường để quản lý, điều hành dự án, phối hợp với địa phương thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng,…

Ngoài ra, việc mua sắm, cung cấp vật tư, vật liệu và tổ chức thi công của các nhà thầu xây lắp gặp rất nhiều khó khăn do các quy định về kiểm dịch, cách ly. Các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị cũng gặp rất nhiều khó khăn do các nhà máy ngừng hoặc giãn tiến độ sản xuất theo quy định chống dịch, việc vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam gần như không thực hiện được.

Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng và sắt thép, kim loại màu vẫn đang tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh trong khi các bộ, ngành chưa có hướng dẫn về việc bù giá vật liệu do biến động giá lớn khiến lựa chọn nhà thầu và thực hiện các hợp đồng có liên quan cũng hết sức khó khăn.

Việc phối hợp với địa phương thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng là vấn đề khó khăn trong mùa dịch

Những giải pháp nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa đầu tư xây dựng, vừa phòng chống dịch

Để đảm bảo mục tiêu vừa đầu tư xây dựng, vừa phòng chống dịch, các đơn vị đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện cho người lao động và các nhà thầu trong việc đi lại, vận chuyển vật tư thiết bị, tổ chức thi công.

Các đơn vị cũng ứng dụng tối đa các công cụ về công nghệ thông tin để phục vụ quản lý, điều hành của tổng công ty và các đơn vị như: xử lý công văn, công việc từ xa trên phần mềm; đẩy mạnh quản lý tiến độ dự án trên phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng; tổ chức các cuộc họp xem xét, thông qua dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai các dự án bằng hình thức trực tuyến,…

Các ban quản lý dự án và các nhà thầu xây lắp đã bố trí lực lượng bám sát công trường theo nguyên tắc hạn chế di chuyển ra ngoài địa bàn.  Đồng thời, các đơn vị bám sát tình hình thực hiện hợp đồng của các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, như: tổ chức chứng kiến thử nghiệm online, bố trí cho chuyên gia nước ngoài của nhà cấp hàng giám sát quá trình lắp đặt thiết bị online,…

Đảm bảo mục tiêu vừa đầu tư xây dựng, vừa phòng chống dịch nhằm hoàn thành và kịp đóng điện đúng tiến độ

Những đề xuất, kiến nghị

Để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do dịch bệnh gây ra để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, cần xác định ngành điện nói chung, lĩnh vực truyền tải điện nói riêng là ngành nghề cung cấp dịch vụ thiết yếu, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước.. Vì vậy, phải tạo điều kiện tối đa cho người, phương tiện, dụng cụ, vật tư, thiết bị phục vụ cho  quản lý vận hành, đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải được ưu tiên tạo điều kiện trong đi lại, di chuyển, làm việc khi đáp ứng với quy định kiểm dịch.

Ngoài ra, các bộ, ngành sớm có hướng dẫn bù giá đối với các vật tư, vật liệu tăng cao trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh; xem xét miễn trừ trách nhiệm khi đơn vị không đáp ứng được tiến độ các dự án do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường dây



Trả lời