Ảnh hưởng của công tác GPMB đến việc thi công các công trình lưới điện hiện nay

Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn và ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án, nhất là đối với các công trình thi công theo tuyến, các dự án đầu tư xây dựng lưới điện. Trong năm 2021, ngoài những ảnh hưởng khách quan do dịch bệnh COVID-19, hầu hết quá trình thi công các công trình điện gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vướng mắc GPMB.

Cùng với hạ tầng giao thông, nước sạch, điện lưới là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Các công trình điện được xây dựng với mục tiêu phục vụ sự phát triển chung của xã hội, thường mang tính chất cấp bách, thời điểm, thời gian thi công ngắn, nên rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân để sớm đưa các công trình vào vận hành, khai thác. Đảm bảo cung cấp điện ổn định sản xuất kinh doanh dịch vụ, sinh hoạt góp phần ổn định đời sống nhân dân và đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Các công trình điện thường được xây dựng trên một diện tích lớn, trải dài, ảnh hưởng đến đất và hoa màu của nhiều hộ dân. Để giải phóng mặt bằng, thi công công trình, ngay từ đầu các đơn vị đầu tư đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức các buổi họp tuyên truyền đến người dân trong việc giải phóng mặt bằng, để chủ đầu tư bồi thường, di dời, tái định cư các hộ dân nằm trong vùng dự án, sớm hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu sớm tiến hành thi công.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền đến nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Nhà nước, để người dân chung tay, ủng hộ giúp đỡ cùng đơn vị đầu tư và thi công, sớm bàn giao mặt bằng các vị trí để thực hiện đầu tư xây dựng, cải đạo lưới điện Quốc gia.

Hiện nay, các đơn vị vừa phải khắc phục khó khăn trong thi công do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, vừa đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện và các công trình lưới điện cấp bách, giải tỏa công suất năng lượng tái tạo, đảm bảo lưới điện phục vụ đấu nối.

Ngoài ra, trong tháng 10 cho đến hết mùa mưa năm 2021, các đơn vị phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24h; chủ động ứng phó với thiên tai mùa mưa bão, đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, các công trình điện và đảm bảo an toàn hồ đập, các nhà máy thuỷ điện, vùng hạ du hồ chứa… Do đó khó khăn thêm chồng chất khó khăn.

Một vị trí móng đã được địa phương bàn giao để thi công đường dây 500kV

Để tạo điều kiện và tháo gỡ một số khó khăn cho đơn vị đầu tư và đơn vị thi công trong các dự án xây dựng điện trọng điểm, Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực đã ký văn bản chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm tiến độ các dự án. Trong đó nêu rõ, chủ tịch UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận (là 2 đơn vị có nhiều dự án điện trên địa bàn nhưng còn chậm giải quyết vấn đề GPMB, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án) trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc bàn giao mặt bằng theo thời hạn quy định. Có biện pháp xử lý cương quyết đối với những trường hợp cố tình cản trở và tạo điều kiện tối đa để chủ đầu tư thi công hoàn thành công trình theo kế hoạch. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm nếu chậm giải phóng mặt bằng dự án điện.



Trả lời