Tâm lý chủ quan, coi vaccine như ‘lá bùa hộ mệnh’ rất nguy hiểm

Tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2; khi nhiễm virus vẫn có thể lây cho người khác; không thể coi vaccine như “lá bùa hộ mệnh” mà chủ quan trong phòng dịch.

Thông tin nhiều người tiêm vaccine đủ 2 mũi vaccine vẫn mắc COVID-19, thậm chí có ca diễn biến nặng và tử vong vừa qua, khiến người dân lo lắng. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) lo ngại: “Hiện nay nhiều người dân có biểu hiện chủ quan vì có “thẻ xanh vaccine COVID-19”. Sự chủ quan dẫn tới không tuân thủ nghiêm khuyến cáo phòng dịch 5K, là điều kiện khiến dịch COVID-19 lây lan. Đặc biệt, người đã tiêm vaccine khi nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm vaccine chỉ giúp người bệnh không bị nặng chứ không phải “an toàn tuyệt đối”.

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh thống kê, có khoảng 80% trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2. Ngay cả vừa qua ổ dịch ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội), tỷ lệ mắc COVID-19 đã tiêm vaccine cũng chiếm gần 50%. Do đó, không phải vì đã tiêm vaccine mà có thể buông xuôi, lơ là. Người dân cần phải thực hiện tốt 5K để không bị nhiễm, không bị cách ly, nhất là những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai…

Sau giai đoạn dịch Covid-19 có chiều hướng giảm dần vào giữa tháng 10. Đến nay, số ca F0 trên toàn quốc bắt đầu tăng trở lại mặc dù tốc độ tiêm vaccine trong giai đoạn này cũng tăng vượt bậc. Dịch phức tạp trở lại ở nhiều địa phương.

Hà Nội: Trong những ngày qua, Hà Nội ghi nhận hàng trăm ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó số ca F0 tại cộng đồng qua sàng lọc ho sốt và các ổ dịch mới chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đây cũng là giai đoạn Hà Nội có số ca mắc cao nhất kể từ đợt bùng phát dịch lần 4 (ngày 27/4) đến nay.

TP.Hồ Chí Minh: Số lượng F0 ở TP.HCM đang có xu hướng tăng dần. Toàn thành phố hiện còn duy nhất vùng cam thuộc địa bàn huyện Cần Giờ do sự gia tăng ca bệnh từ lượng công nhân tại khu nhà trọ. TP.HCM cũng chuẩn bị sẵn các kịch bản, kể cả cho tình huống xấu nhất. Trong tình huống ca nhiễm tăng vượt ngưỡng điều trị, thành phố có thể cân nhắc quay trở lại các biện pháp giãn cách như trước đây.

Tây Nam bộ: Nhiều vùng đỏ tại Tây Nam bộ với số ca F0 tại cộng đồng ở mức khá cao, do đó UBND các tỉnh này tiếp tục tăng cường biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát sự lây lan và thích ứng an toàn với Covid-19; cố gắng kiềm chế dịch, không để diễn biến theo chiều hướng phức tạp.

Đối với các tỉnh miền Trung: Ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng chống lụt bão trong cao điểm mùa mưa, thì các biện pháp phòng chống dịch Covid19 luôn được tích cực triển khai, tiếp tục kiểm soát và không để dịch tái bùng phát trên địa bàn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 càng càng lan rộng, các địa phương cũng ráo riết đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng bệnh.

Người dân cần tuân thủ bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng

Trong phiên trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đến ngày 11/11, Việt Nam nhập khẩu được 135 triệu liều vaccine, tiêm được 96 triệu liều. Dự kiến trong tháng 11 và tháng 12 năm nay, chúng ta tiếp tục nhập khẩu khoảng 85,1 triệu liều vaccine, trong đó có vaccine cho trẻ em. Thủ tướng nêu yêu cầu phấn đấu đến hết năm 2021, tỷ lệ tiêm 2 mũi ở Việt Nam đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định.

Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều người đã có biểu hiện chủ quan, không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, vì nghĩ đã có “lá chắn” vaccine bảo vệ. Theo các chuyên gia y tế, không có vaccine nào có thể phòng bệnh tuyệt đối.



Trả lời