Các giải pháp đảm bảo cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo

Trong quý 3 năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu phụ tải điện cũng giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020, đặc biệt tại các tỉnh phía nam. Sang tháng 10 năm 2021, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, khởi động lại nền kinh tế. Điều này cũng đặt ra thách thức mới cho ngành điện lực và các đơn vị thi công trong việc hoàn thành các công trình, dự án chậm tiến độ, kịp thời đảm bảo cung cấp điện và phát triển kinh tế.

   Để chủ động đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và phòng chống bão lũ thiên tai các tháng còn lại của năm 2021, năm 2022 và các năm tiếp theo, ngày 19 tháng 10 năm 2021, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp cụ thể đảm bảo cung cấp điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân.

Thi công trạm phân phối điện

Căn cứ đánh giá về tình hình cung cấp điện trong thời gian tới, 05 nhóm giải pháp chính đã được đưa ra cụ thể như sau:

Một là, thực hiện rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 202-2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện. Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân giai đoạn tới, theo dự kiến trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã trình Chính phủ, đến năm 2025 cần phải đưa vào vận hành thêm khoảng hơn 28.000 MW nguồn điện mới (bao gồm cả năng lưới tái tạo và điện nhập khẩu). Bên cạnh đó, các công trình lưới điện cũng sẽ được xây dựng và phát triển đồng bộ với hệ thống nguồn điện nhằm khai thác tối đa, hiệu quả các nguồn điện trong hệ thống, đặc biệt là các công trình lưới điện 500kV trọng điểm, các công trình giải tỏa công suất nguồn thủy điện Tây Bắc, các công trình phục vụ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.

Hai là, rà soát các dự án có khả năng đẩy sớm tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành để bổ sung khả năng cấp điện sớm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Các công trình nguồn và lưới điện đã có trong quy hoạch, kế hoạch sẽ được rà soát, có giải pháp để đẩy sớm tiến độ thực hiện. Đồng thời chỉ đạo EVN nghiên cứu thêm các giải pháp nhằm vận hành an toàn hệ thống điện, nhất là trong điều kiện tỷ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo ở mức cao.

Ba là, khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo. Tất cả các công trình lưới điện đảm bảo việc giải tỏa công suất các nguồn điện đã xây dựng, trong đó có các nguồn điện từ năng lượng tái tạo sẽ được rà soát, có giải pháp để đẩy sớm tiến độ thực hiện. Mục tiêu yêu cầu không để các nguồn điện đã xây dựng bị hạn chế công suất do quá tải. Trong khi chờ Luật Điện lực sửa đổi quy định về độc quyền truyền tải, cần tăng cường thu hút đầu tư của các chủ đầu tư nhà máy điện vào các công trình đấu nối.

Sân phân phối 110kV

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện nhập khẩu điện. Khẩn trương đàm phán, ký kết các hợp đồng mua điện từ Trung Quốc, Lào nhằm bổ sung công suất, điện năng cho khu vực phía Bắc. Các công trình lưới điện phục vụ đấu nối, nhập khẩu điện sẽ được đẩy nhanh tiến độ. Trong các năm tiếp theo sẽ tiếp tục đàm phán mua thêm các nguồn mới để tăng cường nhập khẩu điện từ Lào theo Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ.   

Năm là, tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn vận hành. Theo đó tập trung vào các giải pháp chính như sau: Đảm bảo công tác quản lý, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định; Vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc – Nam và hệ thống truyền tải điện; Bố trí lịch sửa chữa nguồn điện phù hợp, sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nâng cao khả dụng các nguồn điện nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền Bắc; Đề xuất cơ chế cho chương trình điều chỉnh phụ tải điện ./.



Trả lời