Bình Định: Còn nhiều tiềm năng để phát triển các dự án năng lượng tái tạo

Tỉnh Bình Định có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, địa nhiệt…). Đây là nguồn năng lượng đang được khuyến khích đầu tư phát triển, nhằm thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày một cạn kiệt… Các nhà máy điện đang hòa lưới điện Quốc gia cấp điện cho tỉnh hiện gồm Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, An Khê – Kanak và 6 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ (Nhà máy Vĩnh Sơn 5, Trà Xom, Kenlut hạ, Định Bình, Tiên Thuận, Văn Phong, Nước Xáng). Tại Bình Định, việc phát triển thủy điện gần như đã bão hòa, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 11 thủy điện vừa và nhỏ với công suất 366 MW (đã được Bộ Công Thương phê duyệt trước đây) triển khai.

Nhà máy điện mặt trời Fujiwara Bình Định

Lợi thế thiên nhiên ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo

Theo đánh giá của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Bình Định ít có tiềm năng sản xuất điện từ nguồn sinh khối, tiềm năng địa nhiệt phục vụ phát điện còn trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được khảo sát, đánh giá. Bù lại, điện mặt trời có tiềm năng rất tốt, tương đương với một số tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ. Cường độ bức xạ mặt trời ước tính trung bình 5,24 kWh/m2/ngày, cao hơn mức trung bình 3 – 5 kWh/m2/ngày của cả nước, số giờ nắng bình quân khoảng 7 giờ/ngày.

Và năng lượng điện gió, tuy không bằng một số tỉnh phía Bắc nhưng tiềm năng của Bình Định tốt hơn các tỉnh phía Nam. Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh như Khu kinh tế Nhơn Hội, xã Mỹ An (Phù Mỹ) có tốc độ gió trên 6 m/giây; chỉ cần tốc độ gió 5 m/giây trở lên là tua bin đã có thể phát điện. 

Ngoài điều kiện khí hậu thuận lợi, các khu vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đề xuất dự án điện mặt trời như Khu kinh tế Nhơn Hội, các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh còn có thế mạnh là nằm ở vùng ít có người dân sinh sống, việc giải phóng mặt bằng không gặp nhiều trở ngại.

Điện gió Nhơn Hội

Các dự án năng lượng tái tạo đã và đang thực hiện

Trong thời gian qua, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Bình Định đã quy hoạch khu vực phong điện nằm trong Khu Kinh tế Nhơn Hội, TP Quy Nhơn và đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy phong điện Phương Mai I, công suất 30 MW; Dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai 3, công suất 21 MW; Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội, công suất 61,1 MW và Dự án Nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara Bình Định, công suất 100 MW (công suất điện mặt trời là 50 MW và công suất điện gió là 50 MW).

Bình minh trên Nhà máy phong điện Phương Mai

Ngoài ra, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư thực hiện khảo sát, nghiên cứu để lập dự án đầu tư Nhà máy điện gió Mỹ An, công suất 50 MW, hiện đang triển khai thực hiện các thủ tục liên quan để bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực theo quy định.

Về các dự án điện mặt trời, hiện nay tại địa phương đã đưa vào vận hành hai nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp (huyện Phù Cát) và Nhà máy điện mặt trời Fujiwara Bình Định (Khu kinh tế Nhơn Hội) với tổng công suất lắp đặt là 100 MW. Một số các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tháng 5 năm 2018, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời QNY tại Khu kinh tế Nhơn Hội cho Công ty CP Năng lượng QN (Hàn Quốc) với công suất 40 MWp, xây dựng trên diện tích khoảng 48 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.612 tỷ đồng. Đây là dự án điện mặt trời thứ 2 được đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Theo tiến độ đăng ký, dự án sẽ hoàn thành đấu nối lưới điện quốc gia vào tháng 6/2020.

Giữa tháng 6 năm 2018, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương Công ty CP Năng lượng tái tạo Việt Nam đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ, tại thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu (Phù Mỹ). Theo hồ sơ đăng ký, Nhà máy được xây dựng trên diện tích 60 ha mặt nước và 0,6 ha mặt đất, với công suất lắp đặt là 50 MWp, tổng vốn đầu tư 1.440 tỉ đồng.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã thống nhất cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư đối với 2 dự án và đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực 2 dự án điện mặt trời để nhà đầu tư có cơ sở triển khai các bước lập dự án theo quy định là Dự án Công viên năng lượng điện mặt trời, công suất 49,5 MW và Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ, công suất 330 MW.

Còn có một số dự án tiềm năng cần được phát triển mới trong thời gian đến đang được các nhà đầu tư khảo sát đánh giá như: Nhà máy điện mặt trời Mỹ Thắng, Nhà máy điện mặt trời Mỹ Thành với quy mô công suất 50 MW; Nhà máy điện mặt trời Tây Sơn, công suất 30 MW; Nhà máy điện mặt trời trên các hồ chứa nước của tỉnh, công suất từ 1.000 – 2.000 MW và Trang trại điện mặt trời Tiên Thuận, công suất 48,13 MW.

Để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương Bình Định triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời, điện gió đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tăng nguồn cung cấp năng lượng điện tại chỗ, giảm hiệu ứng nhà kính và các tác động tiêu cực từ phía môi trường, tạo hình ảnh thân thiện của tỉnh Bình Định trong việc xây dựng hình ảnh du lịch xanh, sạch và bền vững. Ngoài ra, khi đi vào vận hành, các dự án sẽ góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh nhà.



Trả lời