Năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Bình Định

Các nhà điện năng lượng tái tạo tại tỉnh Bình Định đang hoạt động có tổng công suất trên 530MWp, góp phần nâng sản lượng điện sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 tại tỉnh này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, sản lượng điện đạt 788 triệu kWh.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có 6 nhà máy điện năng lượng mặt trời và điện gió đang hoạt động gồm: Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp (huyện Phù Cát); Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ, Nhà máy điện mặt trời Mỹ Hiệp, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ); Nhà máy điện mặt trời Fujiwara Bình Định, Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (khu kinh tế Nhơn Hội). Các nhà máy này có tổng công suất trên 530MWp, góp phần nâng sản lượng điện sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ, sản lượng điện đạt 788 triệu kWh. Sự phát triển mạnh mẽ và đi vào hoạt động của các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh năm qua đã góp phần nâng cao độ tin cậy, giảm thiểu tình trạng thiếu hụt điện trong mùa khô của tỉnh Bình Định.

Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Bình Định (theo giá so sánh năm 2010) đạt 24.087,5 tỷ đồng, tăng 6,14% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước 0,5% (GDP cả nước tăng 5,64%) và xếp thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi và đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 25.070 tỷ đồng, tăng 8,79% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,77% so với cùng kỳ (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 9,21%), cao hơn 2,95% so với mức tăng cùng kỳ. Điểm sáng của sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định trong 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu đến từ ngành sản xuất và phân phối điện, tăng trưởng 79,66%. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất và đóng góp chính trong tốc độ tăng chung toàn ngành công nghiệp. 

Thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015; trong thời gian qua, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Bình Định đã quy hoạch khu vực phong điện nằm trong khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội và đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Nhà máy phong điện Phương Mai 3 (6 trụ tuabin gió, Pmax: 21MW), tổng mức đầu tư của dự án là 996 tỉ đồng; Nhà máy phong điện Phương Mai 1 (12 trụ tuabin gió, Pmax: 26,4MW), tổng mức đầu tư 1.076 tỷ đồng; Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 (6 trụ tuabin gió, Pmax: 30MW), tổng mức đầu tư là 1.321 tỷ đồng; Nhà máy điện gió Nhơn Hội 2 (6 trụ tuabin gió, Pmax: 30MW), tổng mức đầu tư là 1.340 tỷ đồng. 

Trong đó, Nhà máy phong điện Phương Mai 3 đã đi vào vận hành từ tháng 01/2020. Hiện tại 3 dự án điện gió Phương Mai 1, Nhơn Hội 1, 2 đang khẩn trương “về đích” trước ngày 31/10/2021 để được hưởng cơ chế hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Công ty Điện lực Bình Định (PC) Bình Định luôn tạo điều kiện tốt nhất và hỗ trợ các chủ đầu tư dự án trong việc phối hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đi vào vận hành trong tháng 9/2021 theo đúng tiến độ đã đề ra.

Như vậy, đến cuối năm 2021, toàn bộ các dự án điện gió trên địa bàn KKT Nhơn Hội sẽ đi vào hoạt động với tổng công suất 107,4MW. Các dự án đi vào hoạt động sẽ cụ thể hóa quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Bình Định (đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các dự án là bước tiến lớn trong việc tận dụng năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường, làm giảm phát thải CO2 trên địa bàn tỉnh Bình Định; đồng thời sẽ tạo môi trường cảnh quan, thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ – du lịch của địa phương.

Thi công móng trụ tuabin tại Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1

Ngoài ra, PC Bình Định đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để khảo sát lập phương án kỹ thuật nâng dây điện vượt đường trên tuyến Quốc lộ 19 để phục vụ vận chuyển thiết bị điện gió đi các tỉnh Tây Nguyên. Đây là những thiết bị siêu trường, siêu trọng có độ cao cao nhất khoảng 6,5m được vận chuyển từ cảng Quy Nhơn đến hết địa bàn tỉnh Bình Định, đến vị trí dự án điện gió trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. 

Theo đó, địa bàn tỉnh Bình Định có hơn 700 điểm cần xử lý đường dây điện từ 0,2kV đến 35kV bao gồm cả đường dây điện là tài sản của ngành điện và của khách hàng (từ cảng Quy Nhơn đến hết địa phận tỉnh Bình Định ở đèo An Khê). Công ty đã nâng cao dây dẫn tại 100 vị trí vượt đường để đảm bảo độ cao đường dây hạ thế 0,4kV vượt đường tối thiểu đạt 6,8m, độ cao đường dây trung thế 22kV vượt đường tối thiểu đạt 8,3m, độ cao đường dây trung thế 35kV vượt đường tối thiểu đạt 9m.

Nhà máy phong điện Phương Mai 3


Trả lời